TRUNG TÂM SIM PHONG THỦY - SIM SỐ ĐẸP PHONG THỦY VIỆT NAM

Tin tức

54 điều luận Lý khí của Lê Quý Đôn

54 điều luận Lý khí của Lê Quý Đôn

LÝ KHÍ (54 điều)
Tác giả: Lê Quý Đôn

1. Đạo trời hư không, đạo đất tĩnh mịch, người ta vừa hư vừa tĩnh, mới hợp được với đạo trời đất. Vì hư thì tự sáng, tĩnh thì tự định. Tâm có sáng, tính có định, thì các công hiệu tham tán được trời đất mới là ở đó.

2. Đức của trời to lớn thay! Vạn vật nhờ ở trời mà bắt đầu, ấy là nói về KHÍ. Đức của đất rất mực thay! Vạn vật nhờ ở đó mà sinh nở ra; ấy là nói về HÌNH. Nói về trời đất, thì đều có hình có khí cả; nói về vạn vật, thì đều bẩm khí ở trời, thành hình ở đất.

3. Đầy dẫy trong khoảng trời đất đều là KHÍ cả. Còn chữ "Lý" thì chỉ để mà nói rằng đó là cái gì thực hữu, chứ không phải hư vô. Lý không có hình tích, nhân khí mà hiện ra. Vậy LÝ tức ở trong KHÍ. Âm, dương, cơ, ngẫu, tri và hành, thể và dụng , có thể đối nhau mà nói. Còn như LÝ và KHÍ thì không thể đối nhau mà nói được.

4. Thái Cực là một, là một khí hỗn nguyên . Từ số một sinh ra hai, hai sinh ra bốn, thành ra vạn vật; thế là Thái Cực vốn có một. Sách Đại Diễn dùng 50 cỏ thi để bói, mà chỗ số 1 (một) thì bỏ trống không dùng, để tượng trưng thái cực. Thế thì không phải là "hữu" thì còn gì?
Khi mở ra đóng lại gọi là biến; qua lại không cùng gọi là thông; đóng lại là "không", mở ra là "có", đi qua là "không", trở lại là "có", không với có theo nhau, người với vật đều như thế từ xưa đến nay. LÝ chưa hề không tồn tại, xem thế đủ biết trong chỗ hư không im lặng, nguyên vẫn có cái LÝ ấy. Như thế mà bảo rằng: "Cái hữu từ cái vô mà sinh ra" (lời Lão Tử) thì có được không?

5. Phân tách ra mà nói thì Trời thuộc Dương, đất thuộc Âm. Dương chủ Động, âm chủ Tĩnh. Công dụng của trời thường động, nhưng bản thể của trời vẫn tĩnh. Bản thể của đất vốn tĩnh, nhưng công dụng của đất vẫn động. Trời mà không tĩnh thì bốn cõi sao được yên lặng vững bền, bảy chính tựa vào đâu được? Đất mà không động thì chỉ là một khối trùng trục mà sinh ý hầu như mất hết. Trời thì hình động mà khí tĩnh, đất thì hình tĩnh mà khí động.
___

"Cơ" là số lẻ, "ngẫu" là số chẵn. "Tri" là biết, điều mà người ta đã hiểu biết. "Hành" là làm, cái mà người ta đem thực hiện điều đã hiểu biết. "Thể" là thể chất, có hiện tượng. "Dụng" là công dụng của thể chất.

"Hỗn nguyên" là lộn xộn từ đầu, hỗn hợp mà cơ bản.

"Đại diễn" là sách số của Tăng Nhất Hành đời Đường Huyền Tông. Tác giả dùng 50 cỏ thi để bói. Theo Hệ Từ trong kinh Dịch, đại diễn chi số ngũ thập, đại diễn có 50 số, là 10 Thiên can, 12 địa chi và 28 vì sao.

"Bốn cõi" nguyên chữ Hán là Tứ duy. Trên mặt bàn la kinh của nhà phong thủy học (địa lý), ở trên 4 góc bàn có ghi. Kiền, Khôn, Cấn, Tốn gọi là tứ duy.

"Bảy chính", chữ Hán là thất chính: mặt trời, mặt trăng và năm hành tinh, đi có hạn tiết và số độ, cũng như chính trị của nhà nước thi hành có kế họach từ việc này đến việc khác.
6. Liệt Tử nói: Trời chỉ là KHÍ tích lại, không có định chỗ, không có hình tượng. Còn mặt trời, mặt trăng và các vì sao cũng chỉ là cái Khí tích lại mà có ánh sáng đó thôi.

7. Kỳ Bá nói: Đất ở bên dưới người ta và ở giữa khoảng hư không, do Khí lớn nâng lên. Như thế không những trời trong nhẹ mà nổi lên trên, mà đất cũng nổi lên trên. Trời nổi thì bao bọc cả nước và đất, đất nổi ở giữa nước và ở giữa trời. Ấy là thuyết Hồn Thiên.

8. Sách Khôn Dư Đồ Thuyết của người Tây Dương nói: "Nếu không có Khí thì bầu trời là hư không, làm sao đất có thể lủng lẳng ở giữa hư không được?" Sách ấy lại nói: "Giống chim lấy cánh gạt gió mà bay, cũng như người lấy tay gạt nước mà nổi lên trên." Cũng lại nói: "Người ta hướng vào chỗ không mà vẩy tay tất thấy có tiếng vang, nếu ở trong đó không có khí, tất không có vật gì khác để sinh ra tiếng ấy được." Sách ấy lại nói: "Kho trong trông im lặng không có tiếng, ta thấy trong ánh sáng khe cửa có bụi bay lên bay xuống lung tung, chắc là do Khí gây nên như thế."

Tôi kể ra vài việc ấy để chứng minh rằng Khí có thực, thế mà người ta lại còn ngờ cho là lạ!

Nay xét sách Thông Luận của Tiết Huyên đời Minh (1368-1643) có nói: "Phẩy cái quạt thấy có gió, thế đủ biết trong khoảng trời đất không chỗ nào không có khí."
Sách lại nói: "Trong khoảng trời đất, bụi bay tơi bời không ngừng, không gián đoạn. Ấy đều do Khí sinh ra thế, xem ánh mặt trời chiếu vào cửa sổ thì biết." Thuyết ấy cùng với đoạn trên này giống nhau. Sách Tố Vấn cũng nói: "Khi lên xuống, khi ra vào, ta thấy đâu cũng đều có Khí cả."

9. Dưới vòm trời, trên mặt đất đều là gió với khí cả, chỗ gần người ở không thấy có gió vì có nhiều vật làm chướng ngại và có sinh khí làm cho nó tiêu tan đi. Cao vừa vừa thì gió hơi to, càng cáo thì gió càng to, mà mọi vật đều trở thành cứng và ráo. Vả lại, như chỗ đất sâu dưới chân núi, nếu đào sâu khoảng hơn một trượng (2 mét) lấy đất lên, thì trước còn thấy mềm ướt, đem lên khỏi mặt đất thì thấy cứng như đá, há chẳng phải gặp gió thì đất rắn lại đó sao?

Đứa hài nhi trong bụng mẹ chỉ là một khối huyết bào, khi đẻ ra thì rắn chắc, cũng là lẽ ấy. Khí trời ở trên sa xuống, khí đất ở dưới bốc lên, những KHÍ ấy đều là sinh ý của trời đất. Gió và Khí quanh quẩn trong khoảng đó lúc nào cũng như lúc nào, không phải lúc động thì có mà lúc tĩnh thì không có.

10. Khí trời đất vận động không gì mạnh hơn gió và sấm. Bão táp (cụ) là âm, sấm sét là dương. Khi bão mới bốc lên mà có sấm, thì bão tan, vì âm bị dương át đi. Khi bão sắp tạnh thì có sấm là âm dương làm tan.

----------------------

Liệt Tử: tên sách gồm 8 quyển, sách cũ đề là "Liệt Ngữ Khẩu" đời Chu soạn, Trương Trạm đời Tấn làm chú. Đó là một pho đạo thư cổ, nhưng phần nhiều là người sau ngụy tác (Tứ Hải, trang 177)

Kỳ Bá: tương truyền người đời Hòang đế, một vị tổ sư nền y học đông phương.

Tiết Huyên: người đời Minh (1392-1464), sinh ở Hà Tân, tên tự là Đức Ôn, hiểu là Kính Hiên, tác giả các sách: Tiết văn thanh tập, 24 quyển: Tiết tử thông luận, v.v...
11. Ở miền núi trung châu ít sấm, vì đất nước ở đấy vừa sâu vừa dầy, dương khí bền vững, cho nên mùa Đông mà có sấm thì người ta coi là một điềm lạ. Ở miền biển Lĩnh Nam có nhiều sấm, vì đất nước ở đấy vừa nông vừa mỏng, dương khí phát tiết, cho nên mùa Đông có sấm là sự thường.

12. Khi táo (khô ráo) sinh ra gió, gió tan thì trời sáng tạnh. Khí thấp (ẩm ướt) sinh ra mây, mây bốc lên làm thành mưa, đó đều là hòa Khí tuyên dương. Khí thấp, khí táo lẫn lộn sinh ra sương mù, mù nhiều thì sinh ra chướng khí bốc lên (nặng trời), đó là khí độc uất tắc.

13. Chữ "Cụ" là bão một bên có chữ "Cụ" là đủ, nghĩa là đủ bốn thứ gió đông, tây, nam, bắc. Nếu bão bắt đầu có vào buổi sáng thì bão kéo dài 3 ngày, bão bắt đầu vào buổi chiều thì bão kéo dài 7 ngày. Lúc mới bão, gió thổi từ phía đông bắc lại, thì tất đi từ bắc sang tây. Nếu gió thổi từ tây bắc lại thì tất đi từ bắc sang đông, rồi đều quay sang hướng nam thì tắt, gọi là "lạc tây" và "hồi nam" (tắt ở phía tây, quanh về phía nam).
Nếu không lạc tây, không hồi nam thì hơn một tháng sau lại có bão. Bão rất đúng giờ, bão nổi ban ngày thì ngày hôm sau tắt, bão nổi ban đêm thì đêm hôm sau tắt. Cụ phong là gió bất chính, là khí không thuận, thế mà còn có thường độ như vậy!

14. Trời cao cách đất không biết mấy vạn dặm; môn học thiên văn, đo lường ngang dọc, thuận nghịch, thêm bớt, nhân chia, chẳng qua chỉ bỏ một nắm con toán mà biết được đường đi và vị thứ của thất chính và nhị thập bát tú . Như thế chẳng phải là, cái thể thì rất to lớn, cái dụng thì rất nhiệm màu mà đường đi thì có phép thường hay sao? Nếu không thường thì sao được yên? Nếu không yên thì sao được lâu dài?

Xem như gió là do Khí trời đất tụ lại, tan ra, mà phát ra tiếng. Đời xưa có truyền lại các phép xem Khí hậu, ấy là nói xem ở trong lục địa, còn như ở ngoài biển cả mênh mông không biết đâu là đâu, mà các lái thuyền, chân sào cũng biết được ngày, giờ nào không có bão thì cho thuyền đi, ngày giờ nào có bão thì tránh không đi. Như thế chẳng qua cũng chỉ có nhiều kinh nghiệm đó thôi. Trang Tử nói: "Gió khởi từ phương bắc rồi sang phương đông hay phương tây, lại có khi lơ lửng bay trên không. Ấy ai thở ra hít vào như vậy; ấy ai ăn ngồi vô sự mà phe phẩy như vậy?" Lời nói đó cũng là có sở kiến chăng?

15. Phương bắc âm nhiều dương ít, phương nam dương nhiều âm ít, cho nên ở phương bắc, trời chưa rét lắm mà nước đã thành băng, đó là vì dương thì tránh âm mà âm thì kết ở dưới vậy. Mùa đông rét, mưa tuyết là vì âm bức dương mà dương bị thúc lại ở trên. Ở phương nam, âm khí phần nhiều tan ở dưới, cho nên nước không thành giá được, dương phần nhiều phát tiết ở trên, cho nên mưa không thành tuyết được.

------------------------------

Nhị thập bát tú: 28 ngôi sao. Thiên văn học đời xưa chia các vì sao trên trời làm 4 nhóm ở 4 phương: đông tây nam bắc, mỗi phương 7 ngôi sao chính cộng thành 28 vì sao. Hai mươi tám vì sao này thông thuộc cả các sao khác.

Trang Tử: tên sách, gồm 52 thiên, tác giả là Trang Chu đời Chiến quốc, người nứơc Tống, tự là Tử Hưu. Sau Lão Tử thì Trang Tử là nhà triết học lỗi lạc nhất của Đạo gia, đồng thời là một văn hào bậc nhất ở Trung quốc.
16. Đất lấy thổ làm thịt, đá làm sương, cây cỏ làm lông, sông ngòi làm mạch. Cây cỏ mà tươi tốt, đó là Khí thịnh; sông nguồn đầy dẫy, đó là Khí thuần; đất như mỡ, đá như vóc, là vì có sinh khí rót vào. Cây đã khô già mà còn mọc rêu, đá đã bị đập bị đẽo mà cái hòn đá tảng ở chân cột còn ướt, là vì Khí chưa hề mất vậy.

17. Người ta cùng với Trời Đất là một gốc; suốt ngày động tác, ăn uống, càng cùng với Khí đất cùng chung đụng. Cho nên sách Gia Ngữ nói: "Người sinh ở đất rắn thì tính cương cường; sinh ở đất mềm thì nhút nhát; sinh ở đất rắn đen (lô thổ) thì tính người tỉ mỉ: sinh ở đất nở (tức thổ) thì người đẹp; sinh ở đất sưa mỏng (háo thổ) thì người xấu.

18. Sách Nhĩ Nhã nói: "Người sinh ở đất Thái Bình (TQ) thì nhân hậu, sinh ở đất Đan Huyệt thì khôn ngoan; sinh ở đất Thái Mông thì chắc chắn (người đã nói gì thì không sai lời); sinh ở đất Không Động thì vô dũng.

Sách Hoài Nam Tử nói:
"- Khí núi sinh nhiều con trai;
- khí đầm sinh nhiều con gái;
- khí nước sinh nhiều người câm;
- khí gió sinh nhiều người điếc;
- khí rừng sinh người yếu ớt;
- khí cây sinh nhiều người còng,
- khí đá sinh nhiều người khỏe;
- khí ở dứoi thấp sinh nhiều người phù thủng;
- khí âm sinh nhiều người rũ tay chân;
- khí hang hốc sinh nhiều người có chứng tê liệt;
- khí đồi (khâu) bốc lên sinh nhiều người cuồng;
- khí thóang sinh nhiều người nhân;
- khí ở gò to (lăng) sinh nhiều người tham;
- khí nắng sinh nhiều người yểu (chết non);
- khí lạnh sinh nhiều người thọ;
- sinh ở đất nhẹ thì người nhanh trai;
- sinh ở nơi đất nặng thì người chậm chạp;
- ở nơi nước trong thì tiếng người nhỏ;
- ở nơi nước đục thì tiếng người thô (to);
- nơi nước chảy xiết thì người nhẹ;
- nơi nước chảy chậm thì người nặng;
- đất trung châu sinh nhiều thánh hiền."

Thái Sử tập đời Tống nói:
"- Dân ở vùng rừng rú thì xanh mà gầy là vì hấp được nhiều Khí cây;
- dân ở vùng sông đầm thì đen nhuần vì hấp được nhiều Khí nước;
- dân ở vùng nhiều gò đống thì người lẳn mà dài vì nhiều Hỏa Khí;
- dân ở vùng gần bờ sông và đất phẳng thì khôn mà bướng vì nhiều Kim Khí;
- dân ở vùng đồng ẩm thấp thì to béo mà bệu vì nhiều Thổ Khí."

Ấy đều là nghiên cứu vật lý đến cùng, cứ theo thế mà suy diễn ra, thì không chỗ nào là không đúng.

------------------------------------

Khổng tử Gia Ngữ: tên sách (gọi tắt là Gia ngữ). Nguyên sách mất đã lâu. Theo tứ khố tổng mục, sách này có 10 quyển, do Vương Túc đời Ngụy làm chú giải, tức là bản hiệu san của Mao Tấn. Các nhà khảo cứu cho rằng Gia ngữ có hiện nay là sách của Vương Túc, trích trong các sách Tả truyện, Quốc ngữ, Tuân tử, Mạnh tử, Đại đái ký, Tiểu đái ký sọan tập thành sách (Từ Hải, trang 397)

Nhĩ Nhã: tên sách gồm 19 thiên. Theo các sách cổ TQ, đó là bộ sách Tiểu học cũng như Từ điển có từ thời trước Khổng Tử.
  • Liên hệ mua sim
  • (Thời gian làm việc từ 8h - 18h)
  • HOTLINE:HL : 0979.866.866